VĂN HOÁ KINH DOANH CỦA NGƯỜI NHẬT
VĂN HOÁ KINH DOANH CỦA NGƯỜI NHẬT
Khá nhiều doanh nhân nước ngoài khi đến với đất nước Mặt Trời Mọc đều hoang mang bối rối vì bị sốc văn hoá. Đối với phương Tây, văn hóa Nhật Bản thật sự vẫn còn là một điều bí ẩn khó có thể hiểu nổi.
Thế nhưng, ẩn dưới cái vẻ bề ngoài phức tạp rắc rối ấy lại là một xã hội năng động và vô cùng hiệu quả. Bằng chứng chính là sức mạnh kinh tế của họ hiện nay. Người Nhật rất cứng nhắc và nghi thức khi ngồi vào bàn đàm luận chuyện làm ăn. Những phong tục Nhật trong kinh doanh này thật mâu thuẫn với văn hoá và truyền thống của người nước ngoài - hay như dân bản địa còn gọi là "gaijin", và vì thế, một người Nhật thường khó có thể làm việc cho một công ti Tây phương.
Nhưng, khi xem xét lại, bạn sẽ thấy có rất nhiều thứ đáng để học hỏi trong văn hoá kinh doanh Nhật Bản, ví dụ như, tôn trọng những người lớn tuổi, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết và thậm chí là cả sự cam kết sẽ giải trí và nghỉ ngơi chu đáo sau những giờ làm việc căng thẳng.
Dưới đây là các bài học được đúc rút ra từ những người anh em ở nơi quốc đảo phía Đông xa xôi:
Sáu bài học từ văn hóa kinh doanh Nhật Bản
1. Trân trọng các tấm danh thiếp.
Một cuộc họp làm ăn ở Nhật Bản luôn bắt đầu bằng một nghi thức trang trọng gọi là meishi kokan - trao đổi các tấm "business card" (danh thiếp, aka card vizit~ :'D). Khi nhận danh thiếp, người doanh nhân phải cầm bằng cả hai tay, đọc nó cẩn thận, nhắc lại các thông tin, rồi mới cất nó vào túi đựng danh thiếp riêng hoặc là đặt lên trên bàn trước mặt để có thể đề cập đến khi cần. Không được để danh thiếp vào trong ví hoặc túi áo, túi quần. Điều đó thể hiện sự bất kính và thiếu tôn trọng.
~> Bài học rút ra: Trao đổi danh thiếp là cách gây ấn tượng đầu tiên và vô cùng quan trọng khi mới gặp gỡ. Nó thể hiện rằng bạn đánh giá cao cuộc họp, cũng như đánh giá cao sự hợp tác lâu dài trong tương lai với các đối tác.
~> Áp dụng: Đừng có dại dột mà thực hiện đầy đủ nghi thức meishi kokan khi đang ở trong một văn phòng làm việc tại Bắc Mỹ, tất nhiên, trừ phi nếu bạn muốn mình trông thật ngu ngốc trước mặt người khác! Khi nhận danh thiếp, việc cần làm chỉ là dành thời gian chú tâm đến các thông tin trên đó. Ghi nhớ số liên lạc của đối tác có khiến bạn mất mát cái gì đâu, thậm chí, đôi khi còn lời là đằng khác. Và một điều nữa, đừng bao giờ tuỳ tiện nhét tấm danh thiếp của đối tác vào bất cứ vật gì gần nhất, như vậy sẽ trông thật khiếm nhã.
2. Nhường lời cho các bậc "trưởng bối" trước.
Có một phong tục trong các cuộc họp mặt ở Nhật Bản, đó là luôn nhường lời phát biểu đầu tiên cho người có vị trí cao nhất có mặt ở đó. Tất cả mọi người thường không bao giờ phản đối ý kiến của người này, và luôn luôn dành cho người đó sự chú ý cao nhất. Khi cúi đầu - cách chào thông thường của Nhật Bản, nên cúi đầu xuống thấp nhất có thể trước người có chức vị cao nhất.
~> Bài học rút ra: Văn hoá kinh doanh Nhật Bản đề cao vị trí của các bậc "trưởng bối" vì sự thông thái, kiến thức uyên thâm và những kinh nghiệm quý báu của họ. Ở đất này, người nào càng lớn tuổi thì tầm quan trọng của người đó càng cao.
~> Áp dụng: Tôn trọng những người có thâm niên hơn bạn, hoặc những người có chức vị cao hơn bạn. Nếu có ý kiến bất đồng với sếp, hãy bày tỏ quan điểm với sếp ở nơi riêng tư và kín đáo, đừng bao giờ cãi nhau với sếp ở ngay trước mặt nhiều người. Hãy hiểu và chấp nhận rằng, một người có được sự thăng tiến lên các cấp cao như vậy đó là nhờ tài năng, kỹ năng chuyên môn và sự từng trải của anh ta (không tính các trường hợp như "có người quen", gia đình trị hay những thứ tương tự vậy).
3. Thấm nhuần động lực làm việc thông qua các khẩu hiệu.
Rất nhiều doanh nhân Nhật Bản bắt đầu một ngày mới của họ bằng một cuộc họp mặt buổi sáng, xếp hàng và hô vang các khẩu hiệu của công ti như một cách truyền cảm hứng, lòng trung thành và sự quyết tâm thực hiện các mục tiêu của công ti.
~> Bài học rút ra: Nghe qua thì việc này giống như một loại truyền bá tín ngưỡng gì đó, nhưng với Nhật Bản, nó tương đương với buổi nói chuyện để kích thích, cổ vũ tinh thần vậy. Những mục tiêu dài hạn của công ti luôn cần được củng cố và nhắc nhở thường xuyên, nếu không nó sẽ bị chểnh mảng bởi những công việc cá nhân hàng ngày.
~> Áp dụng: Nhắc nhở bản thân mỗi khi bạn ngồi vào bàn làm việc. Làm sống lại những mục tiêu bạn từng ấp ủ trong đầu, và hãy nhận thức được rằng, làm việc nhóm là việc cần thiết để theo đuổi mục tiêu đó. Lập một danh sách các khẩu hiệu của riêng bạn để tiện dùng mỗi khi bạn thấy nản lòng hoặc hoài nghi.
4. Luôn luôn nghiêm túc trong công việc.
Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy ở nơi nào có nhiều "poker face" - những gương mặt cứng đờ không biểu lộ cảm xúc - như ở trong một văn phòng Nhật Bản đâu. Ngoại trừ trong những dịp vui vẻ, còn lại, những nhân viên người Nhật thường ít khi biểu lộ cảm xúc, đặc biệt là trong các cuộc họp. Họ phát biểu chậm rãi, rành mạch, và người nghe thường đôi khi còn lim dim mắt khi tập trung lắng nghe - một thói quen thật nguy hại: vì ở nhiều nơi khác trên thế giới, đây là dấu hiệu của sự chán chường!
~> Bài học rút ra: Người Nhật luôn tạo không khí trang nghiêm cho nơi làm việc, thậm chí còn đến mức gần như là thiêng liêng. Sự hài hước hiếm khi được dùng, ngoại trừ trong các giờ giải lao. Hầu như không có các cảnh quàng vai bá cổ giữa các nhân viên, và tụ tập buôn chuyện thì càng không!
~> Áp dụng: Đối với chúng ta, một môi trường làm việc ngột ngạt và quá trang nghiêm dường như là quá sức chịu đựng. Bạn không nhất thiết phải cư xử tại phòng làm việc như trong một buổi lễ long trọng hay ở một mảnh đất Thánh thiêng liêng nào đó, nhưng cũng không được "tự nhiên như ở nhà". Tác phong chuyên nghiệp làm gia tăng sự nghiêm túc trong công việc, kéo theo cả sự gia tăng hiệu quả làm việc.
5. Làm ra làm, chơi ra chơi.
Sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi, những nhân viên người Nhật lại sẵn sàng cho các hoạt động thư giãn, giải trí. Các quán bar là địa điểm tụ tập rất phổ biến. Nếu như công sở là nơi luôn trang trọng và nghi thức, thì ở bên quầy bar, họ lại luôn sẵn sàng bùng nổ, bộc lộ cái tôi của bản thân. Một địa điểm được yêu thích khác là quán karaoke, nơi mọi người có thể hát hò suốt buổi, kể cả hát có dở tệ đi chăng nữa. Bên cạnh đó, ngoài mục đích để cân bằng lại cuộc sống, các hộp đêm còn là nơi để người Nhật tụ tập, chia sẻ thông tin, thiết lập các mối quan hệ xã giao.
~> Bài học rút ra: Không để công việc chi phối toàn bộ của sống của bạn. Giải trí là một công đoạn vô cùng quan trọng trong một ngày. Nó làm giảm căng thẳng, áp lực và xoa dịu những mỗi lo âu. Tụ tập với đồng nghiệp càng làm các mối quan hệ hợp tác nơi công sở trở nên gắn bó hơn.
~> Áp dụng: Có những lúc bạn cần gạt bỏ hoàn toàn hai chữ "công việc" ra khỏi tâm trí mình. Hãy tận hưởng những giây phút vui vẻ và tham gia các bữa tiệc liên hoan văn phòng. Sống hoà đồng và thân thiện với các đồng nghiệp và mọi người ngoài công sở cho phép bạn tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
6. Tận dụng các mối quan hệ.
Các mối quan hệ rất quan trọng ở Nhật Bản. Chúng thường được coi như là khúc dạo đầu cho một cuộc đàm phán. Có được sự ủng hộ từ mọi người, đặc biệt là những người có quyền thế trong tay, rất có lợi cho bạn. Trên thực tế, các doanh nhân thường sắp xếp những cuộc gặp mặt cá nhân với giám đốc quản trị cấp cao hơn để có thể tranh thủ được sự tán thành từ phía họ. Và càng đặc biệt tuyệt vời và ấn tượng hơn nếu bạn nắm trong tay sự ủng hộ của người có chức vị ngang hàng với kẻ bạn đang phải đối phó.
~> Bài học rút ra: Có được sự ủng hộ từ những người thành đạt sẽ khiến bạn trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt mọi người và có thể dễ dàng tạo dựng nền tảng vững chắc để được thăng tiến trong công việc. Người Nhật cảm thấy có nghĩa vụ phải trung thành và nghe theo lời của một người có địa vị xã hội cao, đáng được tôn trọng.
~> Áp dụng: Chúng ta vẫn hay gọi việc này là "lăng xê", một việc thường không được tôn trọng và đánh giá cao cho lắm. Tất nhiên, bạn không muốn làm một kẻ khoe khoang khoác lác, nhưng trên thực tế, việc này có giá trị như một sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của mạng lưới hoạt động tập thể. Hãy xây dựng các cầu nối vững chắc ở bất cứ nơi đâu bạn đi và những người khác chắc chắn sẽ đánh giá bạn rất cao. Biết đâu đấy, một ngày, bạn được người ta giúp đỡ để có thể kiếm được công việc trong mơ của bạn thì sao?
Những nền văn hoá khác nhau luôn dạy cho chúng ta những bí quyết để thành công và truyền cảm hứng về vùng đất ấy. Cũng giống như việc nêm những gia vị đặc biệt cho món ăn, việc thêm thắt một vài yếu tố ngoại quốc có thể khiến cuộc sống nơi công sở của bạn càng đặc biệt hơn. Hãy sử dụng mô hình công sở Nhật Bản xem sao, chắc chắn bạn sẽ trở nên thật nổi bật ngay chính trong nơi làm việc của mình